‘Cứ hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá’

 “Cứ lúc nào cũng hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá” – cách tư duy ấy khiến nữ doanh nhân Phạm Thị Loan “được” nhiều mà cũng “khó” nhiều khi làm ĐBQH.

Cầm tinh con hổ (1962), con vật hay được cho là khắt khe trong cuộc sống, nên dù bắt đầu bước chân vào nghị trường cách đây 4 năm, bà Loan đã để lại dấu ấn một đại biểu dân cử sắc sảo ở nghị trường, người dám nói và nói trực diện, thẳng thắn. 20110314132929_loan1

Xuất thân là một giáo viên tiếng Anh, trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Loan là Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng giám đốc một tập đoàn có tên tuổi, thương hiệu với nhiều công ty con, Phó Chủ tịch Hiệp hội thiết bị điện Việt Nam.

Song câu chuyện bước chân vào nghị trường của nữ đại biểu này cũng bắt đầu lắm gian truân khi cách đây 4 năm, bà ở thế bị “đẩy tự nhiên” vào ghế ứng cử làm ĐBQH khóa XII hồi năm 2007 theo tư cách đại diện khối Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội.

Thời gian đó, dù hoạt động khá nhiều cho Hiệp hội song trong danh sách cắt cử 5 người chọn 1 để ra ứng cử ĐBQH lúc đó, cái tên Phạm Thị Loan hoàn toàn lạ đối với ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Hiệp hội. Vậy là để công bằng, 5 ứng viên phải lần lượt phát biểu những suy nghĩ riêng về điều sẽ làm cho Hiệp hội, cho người dân thành phố nếu trở thành ĐBQH.

Một cuộc bỏ phiếu kín tín nhiệm ngẫu nhiên đã chọn bà Loan, chủ công ty Việt Á, với số phiếu cao nhất và ban lãnh đạo Hiệp hội đã cam kết thực hiện theo đúng lời hứa: ai phiếu cao thì cử làm ứng viên duy nhất của Hiệp hội.

Song mọi việc không suôn sẻ cho bà khi có những người không bằng lòng với kết quả đó. Một hành trình hiệp thương gian nan khi bỗng dưng xuất hiện một lá đơn tố cáo khống, cho rằng bà là một người mẹ không nuôi con, đối xử không tốt với gia đình nhà chồng, mua quan bán chức.

Lá đơn đi theo bà suốt các vòng hiệp thương đến mức báo chí phải để mắt. Sau đó Thanh tra Hà Nội phải vào cuộc để làm sáng tỏ. Bà được bầu với 72% số phiếu và trở thành ĐBQH khóa XII.

“Trở thành ĐBHQ có lẽ là duyên số. Câu chuyện hồi đó giống như sự thử thách. Giống như đức Phật nói, trong cuộc sống, có thể mình gặp những Bồ tát thuận hạnh, cũng có thể mình gặp Bồ tát nghịch hạnh. Nhưng những bồ tát nghịch hạnh lại làm cho mình cố gắng, vượt qua những thử thách, khó khăn”.

Hỏi khó người đứng đầu

“Cứ lúc nào cũng hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá” – cách tư duy ấy khiến nữ doanh nhân Phạm Thị Loan “được” nhiều mà cũng “khó” nhiều trong suốt nhiệm kỳ 4 năm làm ĐBQH.

Đó là những chất vấn về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của thành phố, những phát biểu về đồ án quy hoạch Thủ đô, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, quyết toán ngân sách nhà nước, lạm phát, cải cách doanh nghiệp Nhà nước… Những vấn đề nhạy cảm nhất được đặt thẳng lên bàn chất vấn với những câu hỏi tâm huyết, đặc biệt người đứng đầu và các thành viên bộ máy Chính phủ.

Còn nhớ tại phiên chất vấn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp cuối năm 2010, bà là người “nổ” phát pháo đầu tiên làm nóng nghị trường với câu hỏi thẳng thắn về khả năng tự trả nợ của Vinashin.
Với những lập luận, tính toán chi li số tiền phải trả lãi hàng năm, nguy cơ gấp đôi số nợ, bà không ngại hỏi Thủ tướng vì sao phân nửa số đại biểu không tán thành mà Chính phủ vẫn cấp vốn cho Tập đoàn Dầu khí.

Nói thật và thẳng không bao giờ là dễ. Cũng vì cách “thật và thẳng” trên nghị trường, nhiều doanh nghiệp đối tác nể bà hơn nhưng cũng nhiều đối tác vì thế mà “ngần ngại”. Cũng có người khuyên khéo bà điều chỉnh, điều tiết cách “thật và thẳng” đầy quyết liệt đó.

Nhưng như bà nói: “Trách nhiệm của mình là nói, để cùng tìm ra những bất cập, chưa thuận, để cùng tìm giải pháp. Có điều có dám mạnh dạn nói lên điểm yếu không, còn khi dám nói lên sự thật thì nhiều khi không êm tai, nhưng nếu không toát lên sự thật thì liệu bao giờ có sự điều chỉnh, thay đổi? Tôi chỉ ân hận khi mình nói sai. Bởi khen thì dễ nhưng tôi nghĩ khen để dẫn nhau vào ngõ cụt thì không hay”.

Sự cố với “quan xã”

Hồi đầu năm 2010, dư luận cũng từng “hốt” về rủi ro hi hữu xảy ra đối với bà trong một lần đi thực tế địa phương và thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Lúc đó, về lễ Mẫu Đầm đa ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, bà Loan nhận thấy có một số bất cập trong việc tổ chức thu phí, lập hang động mới đưa tượng vào thờ đồng thời nhận được đơn thư của một số hộ dân tố cáo bí thư đảng ủy xã lạm dụng quyền hành và lấn chiếm đất công.

Bà tìm đến gặp lãnh đạo xã để góp ý song vị lãnh đạo không những không tiếp mà còn sai trưởng công an xã bắt bà khai báo chương trình làm việc, khóa cổng trụ sở, không cho xe của bà ra về. Vì chuyện này, bà gửi đơn thư đến lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị chấn chỉnh, xử lý hành vi của quan xã đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm đối với ĐBQH và kiến nghị chính quyền địa phương xem xét đơn thư tố cáo của quần chúng đối với bí thư xã này.

Song “chuyện quan xã” của năm trước, như bà nói, chỉ là “một vấn đề còn nhiều nhức đầu”. Một nhiệm kỳ 4 năm làm ĐBQH thấm thoát trôi nhanh mà nữ đại biểu này nói vẫn còn nhiều trăn trở, vẫn còn nhiều điều chưa làm được trên cương vị người đại diện cho nhân dân, đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố, dù biết rằng ở vị trí ĐBQH cũng có nhiều cái khó của cơ chế, của thời gian…

Đó là chức năng giám sát của Quốc hội vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, lực lượng đại biểu tham gia giám sát còn mỏng. Đó là tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài của người dân mà vị thế một ĐBQH chưa thể giúp giải quyết triệt để.

“Một năm tôi nhận được nhiều đơn thư nhưng chỉ một số tôi chuyển đi được trả lời nên hầu như dân chưa thỏa mãn. Có nhiều trường hợp khó. Chính sách thay đổi thường xuyên. Cái giải quyết hồi tố khó, dân vẫn thiệt nhiều”, bà nói.

Hay, vẫn còn đó trăn trở về những vấn đề mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải trong quá trình nền kinh tế thị trường đang hoàn thiện, những bức xúc dân sinh hàng ngày mà chính bà cũng là một đại biểu, cử tri thành phố quan tâm, kỳ vọng ở sự thay đổi…

Thông tin khác

Đăng nhập