Nền kinh tế đang có những ‘công tử Bạc Liêu’ mới

(VNR500) – “Quan điểm phát triển của chúng ta vẫn xác định KTNN đóng vai trò chủ đạo nhưng hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa Kinh tế Nhà nước và các DNNN. Chính điều này làm cho một số DNNN như các ” Công tử Bạc Liêu”.

Lẫn lộn giữ kinh tế Nhà nước và DNNN
(Bà Phạm Thị Loan – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á)

Chúng ta chủ trương đến năm 2020 xây dựng đất nước cơ bản thành nước công nghiệp hóa. Nhưng chúng ta phải xác định từ trên lợi thế so sánh của mình, căn bản nền tảng của đất nước.

Chúng ta vẫn cơ bản là một nước nông nghiệp, tôi nghĩ phải nói là “hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp” thì phù hợp với thực tiễn đất nước hơn.

Quan điểm phát triển của chúng ta vẫn xác định Kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng hiện nay tôi thấy đang có sự nhầm lẫn, chưa có sự rõ ràng giữa Kinh tế Nhà nước và các DNNN. Chính điều này đang tạo ra những mơ hồ trong quản lý giám sát các DNNN thời gian vừa qua.

Nhà nước có vai trò lãnh đạo nền kinh tế của đất nước nhưng không nhất thiết các DNNN đóng vai trò chủ đạo.

Như trên một con thuyền kinh tế, người dẫn lái là Nhà nước, là thuyền trưởng còn thủy thủ là các doanh nghiệp. Hiện nay kinh tế dân doanh đang chiếm đa số vậy tại sao không lấy kinh tế dân doanh làm chủ lực, chủ đạo nền kinh tế đất nước?

Chúng ta đang thuyết phục các nước trên thế giới công nhận chúng ta có nền kinh tế thị trường nhưng trong chính sách của chúng ta luôn xác định có một bộ phận trong nền kinh tế là chủ đạo nghe ra không được logic.

Chính điều này cũng đang biến các DNNN trở thành các công tử Bạc Liêu ngày xưa, có rất nhiều tài sản, chi tiêu rất thoải mái nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ của anh đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước thì chưa tương xứng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đang tự mình phải bươn chải, chèo chống. Cách đây 5 năm về trước, tôi thấy có những chính sách tốt cho DN ngoài quốc doanh nhưng thời gian gần đây đang bị thu hẹp lại, khó khăn hơn cộng với khủng hoảng kinh tế.

Các doanh nghiệp sản xuất thì đang cố gắng cầm cự để vượt qua sóng gió. Một bộ phận không nhỏ khác thì đi làm những việc có tính đầu cơ khác như bất động sản, chứng khoán, mà ít tập trung vào đầu tư chiều sâu phát triển công nghệ, phát triển sản xuất

Những điều này khi kéo dài hệ lụy không tốt đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

Thông tin khác

Đăng nhập