Nước mắt người đàn bà thép

Không chịu khuất phục trước khó khăn, vậy mà bà chủ của Tập đoàn Việt Á – Phạm Thị Loan rất mau nước mắt khi gặp những số phận bất hạnh. Ký ức tuổi thơ cơ cực khiến người đàn bà thép dễ dàng mềm lòng, chia sẻ khó khăn với cộng đồng….

Nữ đại biểu Quốc hội của Thành phố Hà Nội Phạm Thị Loan được biết đến như một gương nữ doanh nhân tiêu biểu với hành trình vượt qua cái nghèo để khẳng định mình trong xã hội. Với vốn liếng chỉ vỏn vẹn gần 100 triệu đồng, sau vài năm hoạt động, bằng sự chèo lái tài tình của mình, bà đã trở thành một nữ giám đốc có tên tuổi và là chủ tập đoàn với trên 2.000 nhân viên, 15 công ty, đơn vị thành viên, 6 nhà máy và nhiều văn phòng đại diện sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết bị, dây cáp điện, cơ khí, nhựa… Sinh ra trong một gia đình đông anh em, 7-8 miệng ăn chỉ trông cậy vào đồng lương giáo viên ít ỏi của người mẹ, mới học hết lớp 7, bà quyết định bỏ học để cùng mẹ vật lộn với cuộc mưu sinh. Cũng chính những tháng ngày cơ hàn ấy đã tôi luyện cho bà bản lĩnh, không lùi bước trước khó khăn nào. Sau hai năm cực nhọc, Loan quay trở lại học tiếp những năm tháng cuối cấp, vốn thông minh nên khi quay lại trường, bà đều đạt học sinh giỏi và được bầu làm lớp trưởng.

Bà Loan hạnh phúc bên chồng của mình
Bà Loan hạnh phúc bên chồng của mình
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ khoa Anh văn năm 1986 với tấm bằng ưu, bà được phân công về làm giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Ngoại ngữ. Thế nhưng ngay cả khi có công việc ổn định này, trong đầu bà vẫn nặng trĩu câu hỏi từ thuở hàn vi: “Làm cách nào để thoát nghèo?”. Năm 1989, bà quyết định rời bục giảng để về Hà Nội làm việc trong công ty xuất nhập khẩu bao bì Packexim. Ở đây bà được cử đi học khóa đào tạo do UNDP tài trợ về công nghệ bao bì tại Ấn Độ.Được học, được tiếp xúc với những máy móc thiết bị tiên tiến Loan lại khát khao có thể áp dụng những tiến bộ kỹ thuật này để phát triển ngành bao bì của nước nhà. Năm 1991, sau cuộc gặp gỡ vô tình với đại diện Hyundai, Hàn Quốc, bà nhận lời làm nhân viên bán hàng cho hãng này. Đây là thời điểm bà phát huy hết khả năng của mình trong lĩnh vực kinh doanh. Không chỉ kim ngạch bán hàng cao nhất văn phòng đại diện của hãng (73%), bà còn đảm nhiệm nhiều dự án lớn như đường dây 500KV có hợp đồng trên 50 triệu USD, đường ống dẫn khí Bà Rịa – Vũng Tàu trên 70 triệu USD… Ngoài ra, bà còn tham gia bán hàng cho cácngành khác như xi măng, sắt thép, hóa chất và các thiết bị uy tính khác…

Thế nhưng ngay cả khi được lãnh đạo tín nhiệm, khách hàng tin tưởng bà vẫn băn khoăn với một suy nghĩ rằng: “Dù sao mình vẫn đang làm giàu cho người khác”. Rồi ý tưởng thành lập một cơ sở sản xuất cung ứng thiết bị điện lóe lên trong đầu. Sau nhiều ngày trăn trở lên kế hoạch, Loan rủ bạn bè chung vốn và cái tên Công ty TNHH Thương mại Việt Á được chào đời năm 1995.

Lúc đầu Việt Á do người em là Phạm Hồ Tuấn làm giám đốc, còn bà lo các công việc về tư vấn để công ty hoạt động phát triển. Loan chính thức nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành vào năm 1998 khi công ty đã khẳng định được uy tín của mình trên thương trường. Sản phẩm đầu tiên do Việt Á sản xuất là tủ điện hạ thế 0,4 kV đã cung cấp cho nhiều dự án ở Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Bà kể: “Có lần đi công tác nhìn thấy cột điện trên đường dây 500kV do Việt Á sản xuất đứng sừng sững bên đường lòng thấy bâng khuâng rất khó tả. Đó là niềm hạnh phúc không thể kể hết”.

Ở độ tuổi ngoài 40, bà vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của một người phụ nữ thành đạt. Thế nhưng khi tiếp xúc, người ta vẫn cảm nhận rất rõ có những nỗi niềm băn khoăn trăn trở ở bà. Cái trăn trở của một nữ đại biểu Quốc hội luôn muốn đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ.

Bà cho rằng, dù ở Việt Nam đã có Luật Bình đẳng giới nhưng sự bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn thể hiện khá rõ trên nhiều mặt, nhất là trong hoạt động kinh doanh. Tại các doanh nghiệp lớn hiện nay, kể cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân, có rất ít phụ nữ ngồi ở vị trí lãnh đạo các cấp. Điều kiện phát huy sức sáng tạo của lao động nữ còn hạn chế, ít có cơ hội học tập để thăng tiến. Họ lại bận sinh đẻ, nuôi con, nội trợ gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội vẫn còn nặng nề… Đó cũng là những nguyên nhân khiến thu nhập của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới. Do vậy, để phụ nữ được bình đẳng với nam giới thì người phụ nữ phải tự vượt lên trên bản thân, làm tốt cả hai vai – công việc và gia đình. “Nếu có hai người, một nam và một nữ ứng tuyển vào vị trí lãnh đạo của Việt Á, năng lực của họ ngang nhau thì chúng tôi sẽ chọn ứng viên là nữ. Đây là một trong nhiều cách để chúng tôi tạo ra sự bình đẳng giới”, bà Loan chia sẻ.

Bà tâm sự: “Trong thương trường nhiều người gọi tôi là người đàn bà thép nhưng thực ra giống như bao nhiêu phụ nữ khác tôi là vẫn người mềm yếu, dễ xúc động. Tôi không dám nhìn khi thấy một vụ tai nạn xảy ra trên đường, thậm chí khóc rưng rức khi xem một đoạn phim tình cảm, nhân vật rơi vào cảnh éo le”.

Hiện tại, công việc của bà đỡ vất vả hơn trước. Bà tiết lộ, việc phân cấp ủy quyền hợp lý và ứng dụng phần mềm tiên tiến, quản trị thông qua hình thức online nên cũng tiết kiệm được thời gian hơn. Bởi vậy, bà vẫn có thể “phân thân” lúc làm phó Chủ tịch Hiệp hội thiết bị điện Việt Nam, lúc đại biểu Quốc hội khoá XII. “Thật ra, hiện nay, tôi dành 30% quỹ thời gian cho quản lý doanh nghiệp, còn lại 70% thời gian Quốc hội, Hiệp hội ngành nghề và gia đình”, bà nói.

Đặc biệt, công việc dày đặc, lịch họp Quốc hội có khi kín cả tuần nhưng bà vẫn sắp xếp thời gian cho thơ phú. Tài ngâm thơ và khả năng kể chuyện của bà được nhiều đồng nghiệp thán phục. “Tôi thích nghe bài “Núi đôi” chị ngâm. Giọng truyền cảm và rất trữ tình”, anh Mai Thanh Tùng, đồng nghiệp của bà nhận xét.

Anh Tùng cho hay tuy được mệnh danh là người phụ nữ thép nhưng cũng có lúc bà mềm những lúc yếu đuối không ngờ. Anh nhớ nhất lần tham gia từ thiện ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, đích thân bà chèo xuồng vào vùng bão lũ hỗ trợ người nghèo. “Thấy nhiều người không qua khỏi cơn lũ, chị lao ra và khóc như mưa. Tôi chưa bao giờ trông chị yếu đuối đến vậy”, anh Tùng nhớ lại.

Nhìn bà, chẳng ai nghĩ rằng, người đàn bà đẹp này đã có những bước bứt phá ngoạn mục để vượt qua trở ngại. Đấy là những đêm mất ngủ khi thương trường biến động về giá cả, chính sách thuế thay đổi thường xuyên, khách hàng chưa chuộng các sản phẩm nội khiến cho công việc tìm đầu ra gặp khó khăn… Mệt mỏi, đã có có lúc Loan muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi ký ức nghèo lại thôi thúc, bà lại gồng mình vượt lên. Bí quyết giúp bà thành công chính là xây dựng được nền văn hóa doanh nghiệp mà ở đó đội ngũ nhân viên yêu thương nhau như anh em một nhà.

Bà quan niệm: “Văn hóa là sắc đẹp, là tâm hồn của một doanh nghiệp và con người là yếu tố cốt lõi mang lại những giá trị đích thực của doanh nghiệp”. Chính vì thế ở Việt Á, người lao động được giáo dục ý thức “Công ty là gia đình, đồng nghiệp là anh em” còn “Khách hàng là thượng đế, bạn hàng là trường tồn, con người là cội nguồn, chất lượng là vĩnh cửu”.

Với bà Loan, người phụ nữ dù đứng ở vị trí nào thì vẫn cần có một gia đình. Tất cả những hào quang sẽ trở nên vô ích nếu các giá trị về gia đình bị xem nhẹ. Phụ nữ dù có cứng cỏi, bản lĩnh đến đâu thì họ vẫn là phụ nữ cần được chia sẻ và gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa quan trọng nhất. “Với tôi chăm sóc bố mẹ, chồng con và những người thân là bổn phận và trách nhiệm và là việc không thể thiếu. Thời gian ở bên người thân luôn làm tôi yên lòng và có cảm giác hạnh phúc”, bà nói.

2008 là năm khá ấn tượng với bà. Trong điều kiện kinh tế giảm sút chung, bà vẫn chèo lái công ty gặt hái nhiều thành công. Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, khủng hoảng, lạm phát, Việt Á vẫn tăng trưởng 30% và nhân sự tăng 10%. Khi nhắc đến mái ấm gia đình, mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc khó tả, hai vợ chồng đều là doanh nhân nên niềm vui được nhân lên, gánh nặng lo toan giảm đi một nửa. Đối với bà, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy con cái trưởng thành. Cậu con trai cả đang du học ngành kinh tế ở London, cậu út đang học thiết kế thời trang của một trường liên kết với Australia.

Thông tin khác

Đăng nhập